Affichage des articles triés par pertinence pour la requête vị thánh gương mẫu. Trier par date Afficher tous les articles
Affichage des articles triés par pertinence pour la requête vị thánh gương mẫu. Trier par date Afficher tous les articles

mercredi 20 mars 2013

Vị gia trưởng gương mẫu




Vị gia trưởng gương mẫu

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

Gia đình truyền thống của Việt Nam bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống. Trong nếp sống này, ông bà nhận được sự kính trọng và hiếu thảo từ nơi con cháu; vợ chồng yêu thương nhau; cha mẹ là chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho con cái; còn con cái là tương lai và niềm hy vọng của gia đình và xã hội.

Thế nhưng các giá trị quý báu đó đang bị mai một dần, mái ấm gia đình có nguy cơ biến thành nhà trọ, để vợ chồng và con cái nghỉ chân mỗi khi đêm về. Là Kitô hữu và nhất là với tư cách gia trưởng trong gia đình, bạn nghĩ gì về thực trạng này?


Sẽ có nhiều lý do để biện minh, nhưng dù sao đi chăng nữa, người gia trưởng là người có trách nhiệm lớn nhất trong gia đình.

Nhân ngày đại lễ kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cùng nhau học hỏi về đời sống gương mẫu của vị gia trưởng. Ta thấy, thánh nhân là người Do thái đạo đức, giữ luật một cách nhiệm nhặt. Ngài cũng là người chồng, người cha mẫu mực. Nhưng trên hết mọi sự, thánh Giuse đã biết kết hiệp mật thiết với Chúa cả trong đời sống cầu nguyện cũng như đời sống lao động.

1. Thánh Giuse, một mẫu gương cầu nguyện
Cả đời thánh nhân là một lời cầu nguyện liên lỉ. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thực hành. Phúc Âm kể:

  • Khi Đức Mẹ mang thai trước khi về chung sống, chắc chắn lòng Giuse lúc đó rối như tơ vò. Nhưng khi đã nhận ra thánh ý Chúa và biết được Đức Mẹ chịu thai bởi Chúa Thánh Thần, ngay lập tức, Giuse đón nhận Maria về sum họp.
  • Khi được thiên thần báo cho biết vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu, tức thì thánh nhân đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập.
  • Rồi khi thiên thần bảo đem Hài Nhi về, ngài liền thi hành ngay.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giusecũng đều chạy đến với Chúa để đón nhận thánh ý của Người. Bầu khí cầu nguyện bao trùm lên cuộc sống của ông và tiếp cho ông một sinh khí: thánh ý Chúa trở nên lương thực của thánh nhân.


2. Thánh Giuse, một mẫu gương lao động
Phúc Âm cho chúng ta biết thánh Giuse làm nghề thợ mộc. Ngài đã chọn nghề này làm kế sinh nhai và để nuôi sống gia đình Nazareth. Vẫn biết rằng nghề thợ mộc chẳng nhàn hạ chút nào, càng không thể làm giầu được, thế nhưng thánh nhân vẫn làm nghề này với tất cả lòng yêu mến trong suốt thời gian dài (ít là khoảng thời gian Chúa Giêsu sống ẩn dật tại gia đình Nazareth).

Lao động không đơn thuần vì mưu sinh, cao hơn thế, thánh Giuse dùng đó làm phương tiện để nên thánh. Ngài đã thánh hoá công việc, biến lao động thành lời cầu nguyện, biến xưởng mộc thành nguyện đường. Ngài đã khoác cho lao động một ý nghĩa: lao động là để cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo và là phương thế để nên thánh. Với mẫu gương này, thánh Giuse đã được Giáo Hội tôn làm quan thầy giới lao động.


Lao động và cầu nguyện là hai thứ không thể tách rời và không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Nếu lao động nuôi sống thân xác, thì cầu nguyện giúp ta gặp gỡ Chúa và nhận ra thánh ý của Người. Thế nhưng việc cầu nguyện và lao động của chúng ta còn mang tính vụ lợi.


  • Xưa thánh Giuse cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa và đón nhận cách mau mắn, thì nay chúng ta cầu nguyện thường để bắt Chúa làm theo ý ta.
  • Xưa thánh Giuse lao động với tất cả lòng yêu mến và dùng nó để nên thánh, thì nay chúng ta lao động một cách chẳng đặng đừng: lao động chỉ vì đồng tiền bát gạo.

3. Bài học áp dụng
3.1 Vậy ngay từ hôm nay, khi bắt tay vào bất cứ công việc gì bạn hãy thử làm với tất cả lòng yêu mến và ý thức đó là phương tiện giúp bạn phục vụ Chúa và tha nhân.

3.2 Và mỗi khi đứng trước một biến cố trong cuộc đời, bạn thử tìm đến Chúa và xin Người chỉ bảo, xem kết quả ra sao?

3.3 Đồng thời bạn hãy tin rẵng xưa kia thánh Giuse đã dùng tài trí, sức lực, lòng dũng cảm và can đảm để bảo vệ gia đình Thánh Gia qua mọi cơn thử thách, thì nay làm sao ngài có thể làm ngơ không cầu bầu trước mặt Chúa cho chúng ta, mỗi khi chúng ta gặp thử thách?


Vâng, ngài thật gần gũi với mọi gia đình của chúng ta, thật xứng đáng là quan thầy mọi gia đình. Vậy mỗi khi gia đình chúng ta gặp thử thách, hãy đến với thánh Giuse.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

samedi 16 mars 2013

Vị Giáo Hoàng của mọi tấm lòng mong ước

Vị Giáo Hoàng của mọi tấm lòng mong ước

Tác giả: 
Tuyết Mai

VỊ GIÁO HOÀNG CỦA MỌI TẤM LÒNG MONG ƯỚC
Không phải chỉ riêng gì chúng tôi mà là nỗi vui mừng khôn tả cho mọi Kitô hữu trên toàn khắp thế giới, đã được Thiên Chúa rất nhân lành của chúng ta tuyển chọn cho nhân loại một vị Giáo Hoàng rất xứng đáng như lòng mọi người mong ước.    Nhìn chân dung của ngài và được biết ngài từ Dòng Tên mà ra, chọn ngay tên thánh là Phanxicô I, để làm tên gọi của ngài trong chức vụ Giáo Hoàng thì thú thật cả thế giới đều phải reo mừng; vì từ nay thế giới sẽ được đổi mới; thế giới có được làn gió mới thổi thật mát vào mọi tâm hồn cô đơn và trống rỗng của mọi người chúng ta.
 
Ai trong giáo dân chúng ta cũng yêu quý cách đặc biệt các cha và thầy dòng vì các ngài luôn khấn cho sống được 3 lời khấn là: “khiết tịnh, vâng lời, và sống khó nghèo”.   Và hôm nay vị Giáo Hoàng tốt lành thánh thiện của chúng ta lại chọn một tên thánh là Francisco I (dòng của anh em khó nghèo) thì không còn chỗ nào có thể chê Đức Tân Giáo Hoàng của chúng ta được thưa có phải!?.   Thật cảm tạ Thiên Chúa, Người biết rất rõ thế giới chúng ta hiện nay đang cần một Giáo Hoàng vừa thông thái, vừa có đức tánh khiêm nhường, và có sống cuộc sống khó nghèo.  
 
Chúng ta cần lắm ở ngài chiếu tỏa ánh sáng của một ngọn Hải Đăng có chức năng cực sáng!.   Chúng ta cần lắm một tấm gương soi trong suốt!.   Và cần lắm ở ngài sự hiền lành và đức hạnh, tỏ lộ trên khuôn mặt từ tâm và khả ái của ngài.   Do đó cả thế giới liền có cảm tình dành cho ngài thật đặc biệt ở cái giây phút đầu tiên gặp gỡ! Như bài hát: “Phút đầu gặp ngài tinh tú quay cuồng và chúng cũng phải hò reo theo!”.
 
Chúng ta cũng sẽ dần có dịp để theo dõi ngài, xem ngài sẽ tiếp cận với những ai trên thế giới? Sẽ hành xử ra sao trong nhiều vấn đề rối rắm mà thế giới hiện đang gặp phải?.   Hy vọng lắm nơi ngài có thể làm cho những tình trạng xem chừng như bế tắc, rất khó xử, sẽ được đả thông, được lắng đọng, ổn thỏa, và ôn hòa!.   Như linh mục Vũ Ngọc Long ở giáo xứ St. Barbara có nhấn mạnh là Đức Giáo Hoàng Francisco vẫn giữ mọi tín điều của luật Công Giáo; sẽ không có gì thay đổi vì đó là Luật của Thiên Chúa. 
 
Có đổi chăng là vị tân Giáo Hoàng Francisco của chúng ta luôn có được ơn Chúa Thánh Thần đầy tràn trong ngài, cộng có được thánh Francisco trợ giúp thì ngài sẽ tuyệt đối có sức mạnh, trí minh mẫn, thể xác khỏe mạnh, cùng nhờ vào tình yêu thương sẵn có của ngài sẽ biến đổi được con người đang sống trên khắp cùng đang sống trong trào lưu quá tự do, quá trác táng, quá mê muội, và có trái tim chai lạnh gần như gỗ đá, vì thiếu thốn tấm gương thánh thiện tốt lành, và hẳn là thiếu lắm sự chia sẻ của những vị chủ chăn đối với đàn chiên của mình.
 
Thiết nghĩ Đức tân Giáo Hoàng Francisco I, sẽ thực thi mọi điều trong kinh Hòa Bình mà thánh Francisco đã nổi tiếng với bài kinh ấy!.   Quả thật chúng ta có nhiều hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng Francisco I, cũng sẽ thay đổi ít nhiều cho những vị chủ chăn hiện tại của chúng ta trong mỗi một họ đạo hay trong mỗi giáo xứ mà các ngài đang đảm nhiệm, cách sống thánh thiện và gần gũi với đàn chiên của mình nhiều hơn.   Có nghĩa siêng tìm đến với chiên thay vì ngược lại.   Đừng ở cao và xa quá với đàn chiên của mình! Sống xa lạ quá thì ngay cả đàn chiên của mình cũng thấy lạc lõng, cô đơn, không người chia sẻ và ủi an, thì vị chủ chăn ấy cũng chẳng tìm được gì hữu ích trong chức vụ của mình?? Chưa kể có những chuyện hiểu lầm nhau và có chuyện chẳng lành giữa Mục Tử và chiên.
 
Hiện nay thế giới chúng ta hẳn đang rất cần có một vị Giáo Hoàng tài ba và đức hạnh, nhưng không gì gương mẫu cho bằng chính cuộc sống tốt lành của ngài đã chứng minh điều đó!.   Quyền cao chức trọng ngài không cần, ngài chọn cho chính mình cuộc sống thật giản đơn, không cầu kỳ, mầu mè, hay tốn kém.   Ngài sống nghèo, tự nấu ăn lấy, đi làm cũng tự leo lên xe buýt hay xe lửa giống như mọi người, thay vì có kẻ hầu người hạ và một bước lên xe limousine sang trọng như bài hát: (Con chẳng phí cuộc đời! …. 2 lần 2 là 4, thực tế vậy mà khôn!.).
 
Thế thì chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không dâng lên Chúa lời cảm tạ, đã luôn yêu thương con người tỗi lỗi của chúng ta và cầu xin cho ngài tân Giáo Hoàng Francisco I, luôn có ơn Chúa dồi dào, sức khỏe khả quan, để ngài có thể gánh vác trọng trách quả là nặng nề trước mặt mà cả thế giới đang trông chờ vào ngài.  
 
Viva papa Francisco I! We all love you already!.
    
Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
(03-15-13)

mercredi 20 avril 2022

Giáo Hội Công Giáo VN có thêm một Vị Thánh!

Giáo Hội Công Giáo VN có thêm một Vị Thánh!


Mùa Hè 2023, tiến trình Phong Thánh cho LM Phanxicô Trương Bửu Diệp vào giai đoạn hoàn tất!

*LM Diệp sau khi tử đạo, đã làm nhiều phép lạ, ban ơn lạ nhiều nhất từ xưa tới nay! Nhiều người cầu xin, toại nguyện và biết đến danh Cha nhất! Hay hơn nữa, người được ơn, lại không phân biệt tôn giáo!

*Sau ngày Cha Diệp tử nạn, 76 năm chờ đợi, giờ đã “Sinh Hoa Kết Trái!”

Một trong những niềm vui chung, lớn nhất của Giáo hội Công Giáo VN.

*Việt Nam được xếp vào các Quốc Gia, có nhiều Vị Thánh nhất trong Giáo Hội Thiên Chúa Hoàn Vũ! Minh chứng đã được Thiên Chúa thương yêu cách riêng!




Loan Báo Tin Mừng:

Trong Thánh Lễ long trọng tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, thuộc Giáo Phận Orange, Santa Ana, Nam California. Thứ Bảy, Ngày12 Tháng Ba, Năm 2022 vừa qua. Gồm trên 500 giáo sĩ và giáo dân tham dự để cầu nguyện, nhân ngày giỗ 76 năm, “Tôi Tớ Chúa” là Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, bị Việt Minh sát hại vì đức tin! (Khi chưa tuyên bố mình là Cộng Sản, sợ lộ bộ mặt gian ác, dân sẽ không theo, nên lúc đó, họ hoạt động, lấy tên là Việt Minh! Nên Việt Minh hay Cộng Sản, cũng là một!)

Trong thánh lễ, Linh Mục Dương Hữu Nhân, đã báo một tin vô cùng vui mừng, hoan hỉ với người Công giáo nói riêng, với VN nói chung: “Hội Đồng Sử Gia của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, tiến trình khó khăn nhất Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê đã thông qua! và mọi việc sẽ hoàn tất vào mùa hè 2023!”

Tiếng đồng loạt vỗ tay vang dội như pháo nổ! Bầu khí hân hoan vỡ òa! chan hòa niềm vui sung sướng! Giáo Hội Công Giáo VN lại có thêm một Vị Thánh! Hình ảnh “Ông Thánh Người Việt” sẽ được đặt trên bàn thờ Người Công Giáo khắp nơi trên thế giới, để thờ lạy tôn kính! Niềm hãnh diện vô biên! khó tả!

Tiến Trình Tuyên Thánh

Từ năm 2012, cuộc điều tra phong Thánh cấp thấp nhất từ giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành. Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Bộ Giáo Lý Đức Tin ra tuyên bố có tên “Nihil obstat” (Không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho Cha Diệp.

Giữa Tháng Mười Hai, 2021, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã minh xác: Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp bị CS còn gọi là Việt Minh hạ sát vì đức tin, tử vì đạo thay cho đoàn chiên của Ngài vào ngày 12 Tháng Ba, 1946 tại Giáo Xứ Tắc Sậy, Việt Nam.

Đây là kết quả tiến trình xem xét cẩn trọng và độc lập kéo dài mất nhiều thời gian của Hội Đồng Sử Gia Phong Thánh, gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử của Giáo Hội Công Giáo.

Sau khi tra cứu kỹ lưỡng, xem xét các lời khai từ phép lạ, hình ảnh minh chứng của mọi giới, nhân chứng, vật chứng, đúc kết trong một tập tài liệu điều tra dày trên 400 trang!

Tiếp theo là những cuộc “điều trần” được mở ra, để các chuyên gia lịch sử và cơ chế liên quan đến tiến trình Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, căn cứ theo đó mà điều tra tìm hiểu hư thực.

Và Hội Đồng Sử Gia Giáo Hội đi đến kết luận chung: “Bản văn tái hiện bối cảnh chính trị xã hội chống lại đạo Công Giáo một cách quyết liệt. Qua đó, lịch sử cho mọi người thấy, một linh mục quyết tâm hướng dẫn đàn chiên và những người ngoài đạo về Đức Tin, mang nặng lòng vị tha, quên mình và dũng cảm chịu chết một cách gương mẫu!”

Văn bản đồng thời cũng minh chứng rằng, Linh Mục Diệp đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích tha nhân, vì tình mến Chúa yêu Người. Nhờ đó, có thể thấy được giá trị cuối cùng, đó là linh mục quyết định noi theo gương Vị Mục Tử là Chúa Nhân Lành, không bỏ đàn chiên trong lúc gian nguy nhất! Chấp nhận để Việt Minh xử tử! chịu nhiều nhát chém, nát bấy thân thể, Ngài đã chết cho niềm tin và yêu thương tha nhân.

Hiện tại, hồ sơ Tuyên Thánh cho Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đang được cứu xét ở giai đoạn cuối cùng, nơi chín nhà thần học làm việc độc lập, không ai biết ai. Khi có tuyên bố kết quả, toàn bộ hồ sơ với thẩm định sau cùng sẽ được trình Đức Giáo Hoàng Francis.

Sau khi Đức Thánh Cha đương kim phê chuẩn, thì Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được tôn lên bậc Đáng Kính, cùng lúc với danh hiệu Á Thánh! Qua niềm tin Công Giáo, qua Đức Giáo Hoàng, những gì được “vinh danh dưới đất, sẽ được vinh danh trên trời. Trái lại, những gì được gỡ bỏ dưới đất, thì cũng được xóa bỏ trên trời!”

Người Công Giáo Chúng ta, hãy tiếp tục gia tăng lời cầu nguyện, cho ước vọng chung cao đẹp này sớm thành hiện thực. Để có ngày huy hoàng, Ngài được tôn kính trên bàn thờ của mọi Kitô hữu, trên toàn thế giới!

Nếu Mùa Xuân năm 1946, giáo dân Giáo Xứ Tắc Sậy đã mang niềm đau, mất vị Mục Tử yêu thương chia sẻ nâng đỡ và bảo vệ mọi người, thì như sự kiện “hạt lúa mì gieo vào lòng đất” đã đến giờ chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt trên quê hương Việt Nam.

Nay đang trổ sinh hàng triệu hoa trái, làm cho hàng triệu con tim Công Giáo vui mừng, cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã tuôn đổ rõ ràng, hiển thị trước mắt, qua những phép lạ được minh chứng, trên đời sống của những ai tin và cầu xin Linh Mục Phanxicô Xaviê đều được đáp ứng!


Tiểu Sử Người Mục Tử Tốt Lành!

Cha phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại làng Tấn Đức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Được linh mục Giuse rửa tội ngày 2 tháng 2 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước, lấy tên thánh là Phanxicô.

Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, theo cha đến Battambang, campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, người cha lấy bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang.

Năm 1909, linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa cậu Trương Bửu Diệp nhập Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Mãn tiểu chủng viện, thầy Diệp lên Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.

Năm 1924, sau thời gian tu học, thầy Diệp được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Năm 1924-1925, linh mục Phanxicô được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Campuchia. Năm 1927-1929, ông về làm giáo sư tại Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Cha Xứ Họ Đạo Tắc Sậy

Tháng Ba năm 1930, Linh Mục Phanxicô Diệp về nhận nhiệm sở tại họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm chính xứ, ngài đã liên kết, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, giáo dân phải di tản khắp nơi, linh mục bề trên của giáo phận là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng khuyên ngài đi lánh nạn, khi nào tình hình yên ổn thì hãy trở về họ đạo, nhưng ngài đã từ chối và cương quyết trả lời: “Phận sự tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết, cũng chết giữa đoàn chiên! Tôi sẽ không đi đâu hết!”





Cuộc Tử Đạo Của Người Mục Tử!

Năm 1945, toàn dân vùng Tây Nam Việt, nổi lên phong trào vùng dậy chống Pháp. Khi đó phần lớn vùng này Việt Minh vừa tiếp quản từ quân Nhật giao lại. Ngày 12 tháng 3 năm 1946, ngài bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân của họ đạo Tắc Sậy, bị giam chung với con chiên bổn đạo trong lẫm lúa của ông Giáo Sự tại Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, cự tuyệt, kháng cự những hành động tàn bạo đàn áp người dân. Nên Ngài đã xin chết thay cho những người bị bắt chung. Dĩ nhiên CS ghét Ngài cay đắng từ lâu, nên đồng ý liền! Và ngài bị Việt Minh giải đi hành quyết, xử tử bằng gươm, chém nhiều nhát trên thân thể!

Đêm đó ngài linh thiêng, hiện về báo mộng và giáo dân tìm đến nơi ngài chỉ, tìm thấy xác ngài dưới một cái ao nhà ông Giáo Sự, với rất nhiều vết chém sau ót, sau lưng, ngang mang tai, bê bết máu. Và tội nghiệp, đau thương, thân xác Ngài trần truồng, không một miếng vải! Có lẽ Việt Minh rất căm thù Ngài, nên cho hình ảnh Ngài chết giống Chúa Kitô trên Thập Giá! Sau đó, thi hài Ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt được dời về nhà thờ Tắc Sậy, là nơi Ngài làm quản xứ trong 16 năm.



Tiếng Lành… Đồn Xa! Khắp Nơi Kéo Đến Hành Hương Với Lòng Tôn Kính:

Hàng năm, vào những ngày 11 và 12 tháng Ba dương lịch (ngày Cha Trương Bửu Diệp qua đời) là lúc rất nhiều người không kể lương giáo, từ khắp nơi đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ nay thuộc Giáo phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, là nơi chôn cất hài cốt và di ảnh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp để khấn xin. Hiện nay, cứ vào ngày “Giỗ” của Ngài, quy tụ đông đảo, ít nhất từ 60 đến hằng trăm ngàn người tham dự, đông nghẹt như kiến! Khách sạn, nhà trọ, không đủ chỗ, nhiều người phải đóng lều, trước đó vài ngày, mới có cơ hội chen vào tham dự lễ giỗ này.

Rất nhiều ơn lạ đã nhận được, nhất là những người ngoài Công Giáo. Hình ảnh của Ngài đã được truyền đi khắp thế giới. Chân dung Ngài được treo khắp nơi! Trong nhà, ngoài ngõ, trên xe, ngoài chợ, Ngài trở thành nơi nương tựa tâm linh, an ủi tâm hồn, không phân biệt tôn giáo.





Một Phép Lạ Của Cha Trương Bửu Diệp: Với Dòng Nước Thánh Không Bao Giờ Cạn!

-Hiện nay tại nhà thờ Khúc Tréo nơi an nghỉ đầu tiên của Cha Diệp từ năm 1946 đến năm 1969, rồi di dời Hài Cốt Cha về nhà thờ Tắc Sậy, cách Nhà Thờ Tắc Sậy nơi an nghỉ của Cha khoảng 4 dặm về hướng Cà Mau. Nơi đây đã trở thành “đất thánh!” đón nhận không biết bao nhiêu phép lạ mà Ngài đã làm, nên mới có những niềm tin tuyệt đối như thế.

-Trong một điềm báo cho một giáo dân của Cha Diệp, vì Cha thấy lương dân rất nhiều người hiện nay đang đau khổ vì bệnh tật, Cha rất xót thương. Nên nơi chôn cất Cha, Cha báo, nhờ ai cào xuống đất khoảng hai gang tay! là sẽ có nước trong sạch phun lên! Ai đến với lòng tin tưởng nguyện xin Thiên Chúa, bệnh tật sẽ thuyên giảm, hay sẽ khỏi hẳn! “Tin thì sẽ được, gõ thì sẽ mở!”

-Điều lạ lùng, không thể tin được, là phần mộ trong phòng thánh nhà thờ cao hơn mặt đất, mà chỉ cần “cào đất xuống hai gang tay là có nước!” Mỗi ngày hàng trăm khách hành hương đến đây, múc hoài uống và mang về, mà mãi không thấy cạn!

-Hàng ngàn nhân chứng đã nhận được ơn lành từ Ngài ban, kể hoài không bao giờ hết. Đặc biệt, không phải trong nước, mà trên các báo chí Hải ngoại, đăng rất nhiều lời Cảm Tạ với Cha Diệp, sau khi đã nhận được Ơn Lành, tuần nào cũng nhận được vài ba mẫu mới là thường!



Lời Thơ Nguyện Cầu:

Cha Trương Bửu Diệp đấng anh minh

Đoàn chiên sói đến Ngài che chở

Mục Tử hy sinh hiến mạng mình

Hiến tế dâng lên muôn của lễ

Toàn thiêu nhỏ xuống nhất trung trinh

Linh thiêng bảo trợ ai tìm đến

Khấn nguyện cầu thay đến Thánh Linh.







Kết luận

Biến cố lớn có tính cách toàn cầu, Phong Thánh cho Cha Trương Bửu Diệp, là một cái tát thẳng vào mặt nhà cầm quyền Cộng Sản VN hiện nay. Chứng minh bản chất vô thần đàn áp tôn giáo từ xưa đến nay, không thay đổi, bằng chứng không thể chối bỏ.

CSVN cũng có nhiều nỗ lực, ngăn cản tiến trình Phong Thánh này, nhưng âm mưu xóa bỏ tội ác giết người tàn bạo, vì lý do đàn áp tôn giáo này đã không thành!

Luật Trời không bao giờ thay đổi, “gieo gì gặt đó” thôi! “Kẻ chơi gươm, sẽ chết vì gươm!” Kẻ CS sát hại, giờ lại được Phong Thánh! Sắp được cả thế giới tôn kính! Bộ mặt thật đàn áp tôn giáo thô bạo, lại một lần nữa, được dịp phơi bày trên toàn thế giới! để mọi người yêu chuộng tự do, cùng phỉ nhổ! (Nhưng chúng có bộ mặt dày như da trâu, da bò! nên nào biết xấu hổ!)

Có lẽ Cha Diệp còn theo lời dạy của Chúa “yêu cả kẻ thù!” nên CS mới sống đến ngày nay! Chứ cứ như người thường, nhìn là muốn…bẻ cổ! chết đi cho…cả nước nhờ! thì CS đã xóa sổ từ lâu!





Xin Chúc Mừng Giáo Hội Công Giáo VN, Với Niềm Vui Thêm Một Vị Thánh!

T.Anh chuyển 

mardi 14 août 2018

BÍ QUYẾT YÊU MẾN KINH THÁNH

BÍ QUYẾT YÊU MẾN KINH THÁNH



Cuối tháng Chín hàng năm, Giáo hội kính nhớ Thánh tiến sĩ Giêrônimô, bổn mạng các dịch giả.  Ngài sinh ra không là thánh ngay, ngài có tính nóng này và gay gắt nên nhiều người không ưa, ngài còn bị cám dỗ dữ dội về đức khiết tịnh nên ngài chiến đấu bằng cách cầu nguyện và ăn chay nhiều.

Mặc dù khuyết điểm về tính khí và thường xuyên bị kẻ thù tấn công, ngài vẫn là người thông minh xuất chúng, đam mê nghiên cứu, nhất là say mê Lời Chúa.

Giáo Hội rất biết ơnThánh Giêrônimô, đặc biệt về lòng yêu mến Lời Chúa và tác phẩm nghiên cứu của ngài.  Có điều quan trọng là ngài đã hoàn tất bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin – chúng ta gọi là “Vulgate” (bản phổ thông), và từ bản phổ thông này, Kinh Thánh đã tiếp tục được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác – tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam,...  Kinh Thánh là sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, khoảng 2.500 ngôn ngữ.  Tất cả đều nhờ công việc khó nhọc của Thánh Giêrônimô.

Công Đồng Vatican II đã xuất bản bốn Hiến chế về Tín lý, bốn cột trụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh), Gaudiumet Spes (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) và Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) – đề cập sự mặc khải và Lời Chúa. Thánh Giêrônimô nổi tiếng với câu nói này: “KHÔNG BIẾT Kinh Thánh là KHÔNG BIẾT Đức Kitô – IGNORANCE of Sacred Scripture is IGNORANCE of Christ.”

Đúng vậy!  Nếu chúng ta không đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Phúc Âm, chúng ta không thể biết Chúa Giêsu là ai, không biết Ngài thì không thể yêu mến Ngài, do đó mà khó có thể đi theo Ngài và làm môn đệ của Ngài được.  Vì thế, chúng ta phải dành cho Chúa tâm hồn mình, yêu mến và quý trọng Lời Chúa, bằng cách thực hiện ít nhất vài điều trong số các điều này:

1. SỞ HỮU KINH THÁNH – Kinh Thánh có nhiều cuốn và đa dạng, nhưng bạn nên có được cuốn Kinh Thánh của Giáo Hội Công giáo.  Với điện thoại thông minh, bạn có thể sử dụng các Apps liên quan Kinh Thánh, nhưng phải cẩn trọng và chọn đúng Kinh Thánh Công giáo!

2. TRAO TẶNG KINH THÁNH – Các dịp đám cưới, sinh nhật, kỷ niệm ngày rửa tội, thêm sức, ngân khánh, kim khánh,...  Thật là rất ý nghĩa nếu chúng ta tặng nhau một cuốn Kinh Thánh.

3. YÊU MẾN KINH THÁNH – Hãy đặt cuốn Kinh Thánh ở nơi trang trọng, đừng bao giờ bất kính.  Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ để sách Kinh Thánh ở nơi bất xứng – để trên nền nhà, ghế ngồi,... Kinh Thánh là Lời Chúa, chúng ta phải nâng niu, trân quý.

4. ĐỌC VÀ SUY NIỆM – Kinh Thánh không là phần trang trí hoặc bộ sưu tập của lễ Giáng Sinh, cũng chẳng là vật kỷ niệm.  Kinh Thánh là để đọc và suy niệm không ngừng.  Hãy khắc dạ ghi tâm lời Thánh Vịnh: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2).  Ước gì chúng ta cũng thích đọc Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa suốt ngày đêm!

5. GHI NHỚ NHỮNG CÂU QUAN TRỌNG – Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta!  Ngài ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cám dỗ Ngài.  Cơn cám dỗ thứ nhất nó xúi giục Chúa Giêsu biến đá thành bánh mà ăn.  Ngài nói thẳng với nó: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

6. BẢO VỆ ĐỨC TIN BẰNG LỜI CHÚA – Thánh Phaolô nói rằng Lời Chúa như gươm hai lưỡi tách xương và tủy.  Ngài có ý nói rằng Lời Chúa mạnh mẽ, nên được dùng làm linh khí để chiến đấu với Satan và đồng bọn của nó – những kẻ dối trá.  Hãy đọc Thánh Thomas Aquinô với Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) và cách ngài bảo vệ tín lý dựa vào Lời Chúa.

7. THÁNH LỄ VÀ LỜI CHÚA – Hãy tham dự Thánh Lễ hằng ngày – cách cầu nguyện tuyệt vời nhất trên thế gian này!  Hiến chế Sacrosanctum Concilium giải thích về Thánh Lễ và Phụng Vụ, cho biết rằng có hai bàn tiệc nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh Lễ: Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể.  Hãy tham dự Thánh Lễ – thực sự là Bàn Tiệc Nước Trời!

8. LINH THAO VÀ LỜI CHÚA – Khi có cơ hội, cố gắng sống theo cách Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Inhaxiô Loyola.  Có thể đó là cuộc tĩnh tâm một tháng, tám ngày, hoặc một tuần, hoặc ngay hôm nay, tĩnh tâm giữa đời thường, có thể kéo dài sáu tháng hoặc một năm, cùng với một vị linh hướng.  Phương pháp Linh Thao của Thánh Inhaxiô Loyola là cách suy niệm hoặc chiêm niệm Lời Chúa.  Hãy thử và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!

9. ĐỨC MẸ VÀ LỜI CHÚA – Khi cố gắng phát triển lòng yêu mến đối với Lời Chúa,đừng quên đến với Đức Trinh Nữ Maria, vì chính Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi-Lời-hóa-thành-nhục-thể trong cung lòng 9 tháng.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ đã suy niệm Lời Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.  Sau khi các mục đồng đến kính viếng Hài Nhi, Đức Mẹ hoàn toàn im lặng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19).  Cầu xin Đức Mẹ thêm sức cho chúng ta làm được như vậy – suy niệm Lời Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng Kinh Thánh, thấm nhuần Kinh Thánh và noi gương Đức Mẹ sống Lời Chúa!

Lm Ed Broom, OMV - Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Catholic Exchange.com

T.Anh chuyển

mercredi 15 avril 2020

Cuộc đời và sự nghiệp vị Đấng Đáng Kính ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002)

Cuộc đời và sự nghiệp vị Đấng Đáng Kính ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002)

Chân dung Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận
Ngày 1 tháng 10 năm 2010, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã ra thông báo về Án phong chân phước cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Thông báo viết: “Ngày 22 tháng 10 tới, tức 3 năm sau khi loan báo việc mở Án phong chân phước, sẽ có Phiên Họp Trọng Thể mở cuộc điều tra ở cấp giáo phận về đời sống, các nhân đức và đời sống thánh thiện của Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Việt Nam Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã là Phó Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình từ năm 1994 và là Chủ tịch Ủy Ban này từ ngày 24 tháng 6 năm 1998 đến ngày 16 tháng 9 năm 2002”.
Theo Thông báo của Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh về việc Điều tra Án phong chân phước và phong thánh cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, do Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn ký ngày 1 tháng 1 năm 2012, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về cuộc đời của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
  1. Thời thơ ấu
Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928, tại Phủ Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em: 3 trai và 5 gái. Thân phụ của ngài là Cụ cố Tađêô Nguyễn Văn Ấm[1] và thân mẫu, Bà Cố Elisabeth Ngô Ðình Thị Hiệp. Đây là một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời, tổ tiên của ngài từng chịu bách hại vì đạo.[2]
Từ thuở nhỏ, cậu bé Phanxicô Xaviê Thuận được giáo dục trong một gia đình đạo hạnh với gương nhân đức, thánh thiện của bà mẹ Elisabeth. Hằng đêm, bà dạy cho con cái đọc kinh gia đình, kể cho cậu nghe những chuyện tích Kinh Thánh và lịch sử các Thánh Tử đạo Việt Nam, đặc biệt, về tổ tiên của dòng tộc; Bà dạy cho các con sống theo gương sáng của Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu: yêu thương mọi người và trau dồi lòng yêu mến Tổ Quốc Việt Nam. Chính nhờ đó, Cậu Thuận có được ước muốn dâng mình cho Chúa từ rất sớm.
P.X. Nguyễn Văn Thuận chụp với Bà Nội, Bố, Mẹ, linh mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền
(sau này là Giám mục) và các em. Bé gái nhỏ đứng trên cao sau lưng Cha Hiền
là con út (Nguyễn Thị Thu Hồng). Hình do Bà Nguyễn Thị Thu Hồng cung cấp.
  1. Chủng sinh – Linh mục
Năm lên 12 tuổi, tức vào tháng 08 năm 1940, cậu Phanxicô Xaviê Thuận gia nhập Tiểu chủng viện An Ninh, tại Cửa Tùng, Quảng Trị; Sau đó, theo học triết và thần học tại Đại chủng viện Kim Long, Huế.
Ngày 11 tháng 6 năm 1953, thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, do Đức cha Jean Baptiste Urrutia (tên Việt là Thi, thuộc MEP), Giám mục Đại diện Tông Tòa Huế.
Sau khi được chịu chức, Tân linh mục Phanxicô Xaviê được cử đến Giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, làm phụ tá cho cha Đaminh Hoàng Văn Tâm. Sau đó, cha được chuyển đến Giáo xứ Phanxicô Xaviê – Huế, làm phụ tá cho Cha Richard Barbon, tên Việt là Triết. Cha Phanxicô Xaviê cũng là Tuyên úy của trường Bình Linh, Bệnh viện trung ương Huế và Lao xá Thừa Thiên.
Từ năm 1956-1959, ngài được gửi đi du học tại Phân khoa Giáo luật thuộc Ðại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma. Ngài hoàn thành việc học với văn bằng tiến sĩ Giáo luật qua việc bảo vệ xuất sắc luận án: “Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo”.
Trở về nước, Cha Phanxicô Thuận được cử làm giáo sư Tiểu Chủng viện; Từ năm 1962, ngài làm Giám đốc Tiểu chủng viện Hoan Thiện; Năm 1964, khi mới 36 tuổi, ngài được đề cử làm Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế cho đến năm 1967.
III. Giám mục và Hồng Y
Ngày 13 tháng 4 năm 1967 Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được ÐGH Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Việt Nam tiên khởi của Giáo phận Nha Trang, thay thế Ðức Cha Paul Marcel Piquet, (tên Việt là Lợi, MEP). Ngày 24 tháng 6 năm 1967, nhằm lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, ngài được tấn phong bởi Đức Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas, cùng với hai Đức cha Philipphê Nguyễn kim Điền và Jean Baptiste Urrutia (Thi) là phụ phong. Khẩu hiệu của Ðức Tân Giám mục Phanxicô Xaviê là: “Gaudium et Spes” (Vui Mừng và Hy vọng), tên của Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vaticanô II.
Ngày mùng 10 tháng 7 năm 1967, Ðức Cha về nhận Giáo phận Nha Trang. Trong 8 năm làm giám mục Nha Trang, Đức cha Phanxicô Xaviê rất thành công trong việc phát triển Giáo phận,[3] ngài chú trọng việc đào tạo nhân sự, gia tăng con số các Đại chủng sinh từ 42 lên 147, số Tiểu chủng sinh cũng gia tăng từ 200 lên đến 500 chú, được học trong 4 Tiểu chủng viện. Ngài lo tổ chức các khóa thường huấn linh mục cho cả 6 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế; thành lập và phát triển các hội đoàn giáo dân, phong trào Công Giáo tiến hành như: Phong trào Công lý và Hòa bình, Cursillos, Focolare, Hướng đạo, Cộng đoàn La vang, Tu hội Hy Vọng. Ngài đã cho phổ biến nhiều thư luân lưu với các chủ đề: Tỉnh thức và cầu nguyện vào năm 1968; Vững mạnh trong Ðức tin để Tiến bước trong An bình, năm 1969; Công lý và Hòa bình, năm 1970; Sứ vụ Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta, năm 1971; Kỷ niệm 300 năm vào năm 1971; Năm Thánh Canh tân và Hòa giải, năm 1973.
Tham gia Hội Ðồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, ngài đảm nhận những nhiệm vụ: Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình; Chủ tịch Ủy Ban Truyền thông xã hội; Chủ tịch Ủy Ban Phát triển Việt Nam; Phụ trách Ủy ban Di dân; Cộng tác trong việc thành lập Ðài Phát thanh Chân Lý Á Châu. Từ năm 1971-1975, ngài được chọn làm Cố vấn Hội Ðồng Giáo hoàng về Giáo dân; Ngài cũng được bổ nhiệm làm Cố vấn và thành viên của Thánh Bộ Truyền giáo; Thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, ÐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Xaviê làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị, Hiệu tòa Vadesi. Vâng lời Đức Thánh Cha, ngày mùng 7 tháng 5 năm 1975, Đức Tân Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê rời Giáo phận Nha Trang, đến nhận nhiệm vụ mới tại Sài Gòn. Nhưng ngài đã bị ngăn trở và không thể thi hành nhiệm vụ được Tòa Thánh trao phó cho đến khi ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục Sài Gòn vào ngày 24 tháng 11 năm 1994. Trước đó, vào ngày mùng 9 tháng 4 năm 1994, ĐGH Gioan-Phaolô II đã bổ nhiệm ĐTGM Phanxicô Xaviê vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.
ĐHY Nguyễn Văn Thuận dâng lễ trong trại giam  (Tranh sơn dầu của Paul Newton) 
Trong suốt thời gian bị “Cản Tòa” từ năm 1975 đến năm 1994, ĐTGM Phanxicô Xaviê đã phải trải qua 13 năm bị giam cầm. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Vị Mục tử của Tổng Giáo phận Sài Gòn bị bắt cho đến ngày 21 tháng 11 năm 1988, nhằm lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ, ngài mới được ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội. Chính trong thời gian bị giam cầm, ngài đã biên soạn quyển sách rất nổi tiếng, sách: “Đường Hy Vọng”, tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Ngày 21 tháng 9 năm 1991, ĐTGM Phanxicô Xaviê rời Việt Nam và không bao giờ quay trở lại quê hương. Ngày 21 tháng 2 năm 2001, ngài được vinh thăng Hồng Y, tước phẩm Hồng Y Phó tế, hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala.[4]
Trước đó, vào Mùa Chay Năm Thánh 2000, năm bắt đầu Thiên niên kỷ thứ III, Ðức Gioan-Phaolô II đã mời ĐTGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng Tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma, Đức Giáo hoàng nói: “Năm đầu tiên của Ngàn Năm thứ ba, một người Việt Nam sẽ giảng tuần Tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma”.[5]
Ngày 11 tháng 5 năm 1996, ĐTGM Phanxicô Xaviê được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Ðại học Dòng Tên tại New Orleans, LA, Hoa Kỳ. Ngài cũng được tặng thưởng nhiều huân chương do bởi đời sống chứng tá và các hoạt động xây dựng công lý và hòa bình: ngày mùng 9 tháng 6 năm 1999, tại Tòa Đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, Chính phủ Pháp đã trao tặng Ngài huy chương “Commandeur de l’Ordre National du Mérite”; Ngày 12 tháng 12 năm 2000, tại Tòa Thị chính Rôma, Hiệp hội “Cùng nhau xây dựng hòa bình” đã trao tặng Huy chương vinh danh ngài; Ngày 20 tháng 10 năm 2001, tại Torino, ngài được trao tặng Huy Chương Hòa bình do tổ chức SERMIG – Hiệp hội Truyền giáo của giới trẻ; Ngày 9 tháng 12 năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu G. Donati cũng đã trao tặng ngài Giải thưởng Hòa bình năm 2001.
Sau cuộc hành trình trần thế, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được Chúa gọi về với Ngài vào lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 09 năm 2002, hưởng thọ 74 tuổi. Thánh lễ an táng Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê được ĐGH Gioan-Phaolô II cử hành trọng thể vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002.
Thay lời kết
Vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002, ĐGH Gioan-Phaolô II đã chủ sự thánh lễ an táng cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã nói: “Trong lúc chào vĩnh biệt Người Sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo. […] ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “chọn một mình Chúa mà thôi” như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin Mừng Hy Vọng” và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. […] Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền”.
Năm năm sau ngày Đức Cố Hồng Y Phanxicô qua đời, Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đã chủ sự Thánh lễ để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng vào lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16 tháng 9 năm 2007 tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Theo đúng quy định của hiến luật về việc phong thánh. Dịp này, Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình đã bắt đầu tiến trình xin lập Hồ sơ phong thánh cho Đức Cố Hồng Y. Từ Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết hôm thứ hai 17 tháng 9 năm 2007, ĐGH Bênêdictô XVI đã nói: “Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài đã soạn thảo bản Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài.
Chúng ta tưởng nhớ ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho ngài luôn sống động và ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người.
Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng, ngài phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. […] Đức Cố Hồng Y Phanxicô thường nhắc lại rằng: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm. […] Và Đức Bênêđictô XVI kết thúc: “Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em”.
Ngày 22 tháng 10 năm 2010, vào lúc 8g30 sáng, ĐHY Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình sẽ chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Tham dự thánh lễ có các thành viên thuộc Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, các Hồng Y, Giám mục, linh mục, thân nhân, bạn hữu của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê.
Tiếp đến, vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, tại Phòng Hòa Giải trong Dinh Laterano ở Roma, một phiên họp chính thức mở cuộc điều tra án phong Chân phước và phong thánh cho Đức Cố Hồng Y. Nghi thức bắt đầu bằng một bài Thánh ca, sau đó là việc đọc biên bản. Tiếp đến, vị Chủ Tọa phiên họp là ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra và ĐHY Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình phát biểu.
Trong cùng ngày, những hoạt động khác cũng diễn ra như: trao giải thưởng Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vào lúc 10g30 tại Giáo hoàng Đại học Laterano, buổi hòa nhạc tại Vương cung Thánh đường Thánh Antôn trên đường Merulana – Roma, vào lúc 7 giờ tối.
Ngày đầu năm 2012, Lễ Mẹ Thiên Chúa
Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
Chú thích:
[1] Cụ Tađêô qua đời ngày 3 tháng 7 năm 1993 tại Sydney, Australia.
[2] Gia đình bên ngoại của ngài đã bị thiêu sống khi đang quây quần đọc kinh gia đình trong một đêm mùa thu năm 1885, tại làng Đại Phong.
[3] Xin xem: Năm chiếc bánh và hai con cá, trang 26.
[4] Quảng trường Santa Maria della Scala, số 23, ở khu Trastevere – Rôma, được coi sóc bởi các cha Dòng Carmel.
[5] Chứng nhân Hy vọng, trang 12.
Tài liệu tham khảo:
1. Năm chiếc bánh và hai con cá, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
2. Cha tôi, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong cuộc đời tôi, Phaolô Phan Văn Hiền.
3. Tài liệu trên trang web http://www.vatican.va.
4. Tài liệu hình ảnh trong Archives des Missions Étrangères de Paris.
5. Tài liệu hình ảnh của Lm Augustinô Nguyễn Văn Dụ.
6. Tài liệu trên trang http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailbook&id=49&ib=396
và http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=6356.
——————————————————————————
Phụ lục

THÔNG BÁO ÁN LỆNH THU THẬP TÀI LIỆU PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH
CHO TÔI TỚ CHÚA, HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN
Tòa Giám quản Rôma
Vụ án Phong Chân phước và Phong Thánh cho Tôi Tớ Chúa
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y Giáo Hội Rôma    
THÔNG BÁO ÁN LỆNH
Ngày 16 tháng 9 năm 2002, Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y của Giáo Hội Rôma, đã qua đời tại Rôma.
Vị Tôi Tớ Chúa này, là một người có đức tin sâu xa vào Thiên Chúa và có lòng bác ái không giới hạn, là một vị rao giảng anh hùng Tin Mừng của Chúa Kitô, đã là một chứng nhân đích thực của Niềm Hy Vọng, ngay cả trong những năm thật khó khăn trong khi thi hành sứ vụ linh mục và giám mục, thực hiện trong những đổ nát của chiến tranh tại Việt Nam, gồm cả 13 năm tù đầy, trong đó Lời Chúa đã chiếu sáng cuộc sống mà bên ngoài xem ra đúng là đêm tối, hoàn toàn sống trong cô lập, luôn làm tăng thêm sức mạnh của niềm hân hoan và hy vọng.
Với thời gian qua đi, danh thơm về sự thánh thiện tăng thêm mãi, và sau cùng có đơn xin bắt đầu mở án Phong Chân phước và Phong thánh cho Vị Tôi Tớ Chúa đây, và để thông báo cho Cộng đồng Giáo Hội của Chúa biết, chúng tôi mời gọi tất cả mọi người và từng người tín hữu hãy thông báo trực tiếp hay chuyển tới Tòa Án Giáo phận của Tòa Giám Quản Rôma (ngụ tại Piazza S. Giovanni in Laterano, 6, 00184, ROMA, Italia), tất cả những tin tức, mà nhờ đó Tòa Án có thể tìm hiểu sâu xa những yếu tố thuận hay nghịch lại với danh thơm thánh thiện của Vị Tôi Tớ Chúa.
Ngoài ra, theo các định liệu của luật lệ hiện hành, cũng phải thu tập các tác phẩm viết của Ngài, chúng tôi truyền lệnh, qua Thông báo án lệnh này, tất cả những ai lưu giữ các tác phẩm này, phải mau mắn nộp cho Tòa Án trên đây bất cứ tác phẩm nào có được, mà Tôi Tớ Chúa đây được coi là tác giả, nếu chưa trao nộp cho Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên vụ án.
Chúng tôi nhắc lại rằng kiểu nói tác phẩm không chỉ hiểu là những tác phẩm đã được in ấn, và đã được thu tập lại, mà còn phải hiểu là những bản thảo, tập nhật ký, thư từ đủ loại và bất cứ một một loại bản viết riêng tư nào của Tôi Tớ Chúa. Những ai muốn giữ lại bản chính, có thể trao nộp bản sao được thị thực hợp pháp.
Sau cùng, chúng tôi chỉ thị rằng, Thông Báo Án Lệnh này sẽ được treo nơi công cộng trong vòng hai tháng ở cửa của Tòa Giám Quản Rôma, và sẽ được công bố trong báo của Tòa Giám Quản “Rivista Diocesana” của Giáo phận Rôma, và trên nhật báo “L’Osservatore Romano” và nhật báo “Avvenire”.
Ban hành tại Rôma, từ Trụ Sở của Tòa Giám Quản, ngày 16-1-2009.
Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản           
Giuseppe Gobbi, Lục Sự

(dịch theo bản tiếng Ý, trong Avvenire, ngày 10-2-2009, tr. 17).
Nguồn: hdgmvietnam.org

lundi 17 septembre 2018

Bức thư của một Linh mục người Brazil gửi Đức Giáo hoàng Phanxicô

Bức thư của một Linh mục người Brazil gửi Đức Giáo hoàng Phanxicô



Lm. Antoine Teixeira, Brazil


Kính thưa Đức Giáo hoàng Phanxicô,
Quả thật, Đức Thánh Cha có lỗi!
Đức Thánh cha có lỗi vì là một con người và không phải là một thiên thần!
Đức Thánh Cha có lỗi vì khiêm tốn chấp nhận rằng mình đã sai lầm và cầu xin sự tha thứ cho chính mình và cho cả chúng con nữa. Trong khi điều này đối với nhiều người lại không thể chấp nhận được.
Đức Thánh Cha có lỗi bởi vì ngài không muốn làm một vị thẩm phán, một con người của luật lệ, nhưng là một mẫu gương và nhân chứng của lòng thương xót.
Đức Thánh Cha có lỗi vì đã từ bỏ truyền thống sống trong cung điện và chọn cuộc sống như những người bình thường.
Đức Thánh Cha có lỗi vì đã khước từ sự xa hoa của [Vương cung Thánh đường] Thánh Gioan Latêranô và ưa thích viếng thăm sự nghèo khổ nơi những nhà tù, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, vv.
Đức Thánh Cha thật có lỗi!
Đức Thánh cha ngừng hôn những đôi chân thơm tho của các vị hồng y, nhưng lại hôn bàn chân “bẩn thỉu” của những phạm nhân, phụ nữ, bệnh nhân, những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, và những người “khác biệt”!
Đức Thánh Cha đáng bị lên án vì đã mở cửa đón nhận những người tị nạn, và bởi trước những vấn đề đau buồn cần được giải đáp, ngài chỉ trả lời một cách đơn giản: “Tôi là ai mà dám phán xét?”
Đức Thánh Cha đáng bị đày đọa vì thừa nhận sự yếu đuối của mình bằng cách xin chúng con cầu nguyện cho ngài, trong khi nhiều người yêu cầu Đức Thánh Cha phải giáo điều, bất khoan dung, và quan liêu.
Kính thưa Đức Thánh Cha, ngài bị quy kết cho thật nhiều thứ tội, như “những phường phản bội,” “hạng bị dứt phép thông công,” và “kẻ lai căng,” những người nhờ Đức Thánh Cha đã tái khám phá khuôn mặt xinh đẹp của Chúa Kitô đầy dịu dàng và thương xót.
Đức Thánh Cha có lỗi vì đã chỉ ra bản chất thực của sự việc và không ngừng nhắc nhở các giám mục rằng họ không phải là những mục tử ở sân bay, nhưng phải mang lấy “mùi chiên của họ.”
Đức Thánh Cha có lỗi vì đã xé toạc những trang sử bất khoan dung và thứ luân lý khô khan, tàn nhẫn, và ban tặng chúng con vẻ đẹp của lòng từ bi, nhân hậu và sự chân thành.
Đức Thánh Cha có lỗi vì đã mở mắt chúng con, những người [tự cho mình] thông minh và lý lẽ, nhất là con mắt của trái tim.
Đức Thánh Cha có lỗi vì muốn mang lấy thập giá của Giáo Hội thay vì mua vui cho những ánh mắt, bàng quan trước những nỗi đau và nước mắt của nhân loại thời đại chúng ta.
Đức Thánh Cha có lỗi vì không chịu đựng những tội ác ghê tởm nhân danh Thiên Chúa và những người rao giảng về Chúa nhưng lại sống đối địch với Ngài.
Đức Thánh Cha có lỗi vì, do lòng thương xót, dám tìm kiếm sự thật và công lý, thay vì thinh lặng, giấu giếm, giảm thiểu hoặc bỏ qua.
Đức Thánh Cha có lỗi vì không muốn một Giáo Hội của đặc quyền, lợi ích, và vinh quang, và dạy cho chúng con sức mạnh của việc phục vụ, sự giàu có của việc rửa chân, và sự vĩ đại của tinh thần đơn sơ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, hãy để người ta đổ lỗi cho ngài những “tội ác” này.
Đức Thánh Cha biết rằng bên cạnh ngài là vô số những anh chị em nam nữ không phải là thiên thần như ngài, nhưng là những người yếu đuối, những tội nhân, những người hy vọng Chúa Kitô gìn giữ chúng ta và cho chúng ta.
Đức Thánh Cha nên nhớ rằng có một làn sóng rất lớn của những tâm hồn luôn cầu nguyện cho Ngài mọi giây phút; vì Đức Thánh Cha, họ sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống mình. Họ bước theo Đức Thánh Cha như đoàn chiên tin tưởng vào mục tử của họ.
Chính Đức Kitô đã ủy thác nơi Đức Thánh Cha sứ mệnh chèo lái “con thuyền” Hội Thánh.
Ngài sẽ ban thêm sức mạnh cho Đức Thánh Cha theo đuổi con đường “tội lỗi” này, con đường đã được thực hiện thật tốt trên thế giới và trong Giáo Hội.
Kính thưa Đức Giáo hoàng Phanxicô, cảm ơn Đức Thánh Cha đã trở nên “tội lỗi” để làm cho Hội Thánh nên xinh đẹp như mong ước của Chúa Giêsu.


Lm. GB. Cao Xuân Hưng, Gp. Vinh,
biên dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://www.cbcplaiko.org/2018/09/13/from-a-priest-in-brazil-to-the-pope/)

Trần Anh chuyển